Tụng Kinh cầu siêu có thật sự siêu hay không?

Hỏi: Việc tụng kinh cầu siêu cho người chết có thật sự siêu hay không?



Đáp: Vấn đề nầy, thú thật chúng tôi không thể nào trả lời một cách quả quyết dứt khoát được. Bởi không thấy, không biết, thì làm sao dám nói quả quyết. Tuy nhiên, theo chỗ học hiểu của chúng tôi, thì người Phật tử hay không phải Phật tử, tốt hơn hết là mình nên cầu siêu cho chính mình lúc còn sống.

Cầu siêu lúc còn sống là sao? Bởi vì hai chữ cầu siêu, nó có nghĩa là mong mỏi vượt qua mọi khổ đau. Nhưng nếu chúng ta chỉ cầu siêu suông bằng cách nói như thế, thì ngàn đời cũng không thể nào vượt qua khỏi khổ đau được. Muốn vượt qua khỏi khổ đau, thì chúng ta cần phải tu. Nghĩa là chúng ta cần phải làm lành lánh dữ. Điều gì xấu ác, không lợi cho bản thân và tha nhân, thì chúng ta quyết định không làm. Như người Phật tử, sau khi quy y thọ ngũ giới rồi, quyết tâm gìn giữ không phạm, được thế, thì hiện đời đã siêu rồi, còn nói gì đến đời sau. Ngược lại, điều xấu ác luôn làm, thì làm sao tránh khỏi quả báo khổ đau. 

Có người vì quá tham lam, sân hận, gây ra thảm cảnh cướp của giết người. Có người vì nghiện ngập cờ bạc, rượu chè say sưa, hút xách, không kiềm chế được tánh xấu, nên đã gây ra nhiều tội phạm, bị pháp luật trừng trị hình phạt tương xứng theo nhân mà họ đã gây tạo, như bị đánh đập tra khảo tù đày v.v… 

Như thế, thì làm sao chúng ta có thể cầu cho người đó siêu được? Không thể người nầy ăn, người khác lại no, hay người nầy học, người kia biết chữ. Làm gì có chuyện ngược đời như thế. Như vậy là phản với luật nhân quả. Cũng thế, khi một người tạo tội đã bị giam cầm hình phạt, thì ta không thể tối ngày cầu nguyện nói rằng: Xin cho người đó hết tội! xin cho người đó hết tội! 

Thử hỏi cầu nguyện như thế người đó có hết tội hay không? Hay là chính do người đó phải cải hối ăn năn qua những hành động mình đã làm và phải thể hiện những hành động cụ thể cho người có trách nhiệm trông coi mình, biết mình có thật tâm cải thiện. Chừng đó, người ta mới xét đến mà ân xá hoặc tha cho. 

Còn những lời cầu nguyện van xin kia, chỉ có tánh cách giúp cho tội nhân kia cảm động mà hồi tâm cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh, chuyển đổi ở nơi tâm thức và hành động. Chớ nó không có một thần lực nào cứu vớt người đó khỏi tội được. Như vậy, việc cầu siêu chỉ là một trợ duyên thôi. Tất cả đều tùy thuộc vào đương sự. Khổ vui chính do người đó tự quyết định lấy. 

Hiểu theo ý nghĩa cầu siêu như thế, thì người Phật tử không còn ỷ lại vào chư Tăng, Ni tụng kinh cầu siêu nữa. Bởi thực tế, thì chư Tăng Ni cũng phải cầu siêu cho chính họ. Và khi tụng thì tụng theo xưa bày nay làm, chớ thật sự không có một vị Tăng Ni nào dám quả quyết là siêu hay không siêu. Vì có thấy biết đâu mà dám nói càn. Thực tế là như thế. 

Tóm lại, tự mỗi người phải lo tu, đừng bao giờ ỷ lại vào bất cứ ai kể cả Phật, Bồ tát, vì các Ngài cũng không thể cứu vớt chúng ta, bằng thần lực hay đưa tay cứu khổ. Các Ngài chỉ cứu khổ cho chúng sanh bằng cách chỉ dạy qua những lời được kết tập trong kinh điển. Nếu chúng ta y cứ vào đó mà hành trì, thì đó là chính ta tự cứu lấy ta vậy. Và như thế mới là thượng sách và mới đúng với ý nghĩa cầu siêu. Bằng ngược lại, thì chúng ta sẽ chuốc khổ dài dài đi mãi trong vòng luân hồi khổ đau bất tận. Kính mong mọi người nên tự xét lấy!

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »