Hỏi: Tại sao người xuất gia, khi cha mẹ mất mà không lạy lúc tẩn liệm cũng như lúc thiêu hay chôn? Như thế, thì có phạm tội bất hiếu hay không?
Đáp: Xin thưa ngay là không có gì phạm tội bất hiếu cả. Vì người xuất gia, trước khi vào chùa cạo tóc, đã có xin phép cha mẹ và được cha mẹ đồng ý. Và trước khi làm lễ thế phát xuất gia, người con lạy cha mẹ 3 lạy. Ba lạy đó, nói lên lòng biết ơn cha mẹ và cũng để trả hiếu đáp đền lại công ơn giáo dưỡng sâu dầy của cha mẹ. Từ đó về sau, người xuất gia không còn lạy cha mẹ nữa. Lý do, là vì sợ cha mẹ bị tổn đức. Bởi người xuất gia, tuy hình hài là do cha mẹ sanh ra, nhưng huệ mạng là do giới luật của Phật làm tăng trưởng. Mà “pháp thân huệ mạng” đối với người xuất gia thật rất quan trọng. Nên sau khi thọ giới luật rồi, người xuất gia phải gìn giữ một cách rất nghiêm nhặt. Nhứt là sau khi thọ giới Tỳ kheo, tức Đại giới hay Cụ túc giới, thì người xuất gia càng phải thận trọng gìn giữ nhiều hơn nữa. Do đó, nên giới đức ngày càng tăng trưởng.
Trong khi đó, thì cha mẹ là người tại gia, chỉ gìn giữ 5 giới cấm, cho nên xét về giới đức thì kém hơn rất nhiều. Do đó, theo luật Phật dạy, thì cha mẹ kỉnh Phật phải trọng Tăng. Dù ngày xưa là con, nhưng bây giờ là người của đạo pháp, sống trong hàng ngũ Tăng già, nên cha mẹ cũng phải kính trọng như bao nhiêu vị Tăng khác. Đã kính trọng như thế, thì làm sao cha mẹ dám để cho người xuất gia lạy mình.
Tóm lại, vì sợ cha mẹ bị tổn đức mà không lạy, chớ không phải có ý xem thường hay bất hiếu như người đời lầm tưởng. Hơn nữa, sự báo hiếu của người xuất gia không phải chỉ có hình thức lễ lạy bề ngoài như người thế gian, mà những vị đó thường đem những lời Phật Tổ dạy để khuyến nhắc cha mẹ, hầu để cha mẹ thức tỉnh mà lo tu hành để được an vui giải thoát. Đó mới thật sự là báo ân cho cha mẹ vậy.
EmoticonEmoticon