Khi chấp tác nhổ cỏ làm chết những con vật nhỏ có tội không?

Hỏi: Khi chúng con thọ giới Bát quan trai, trong 8 giới, thì giới không sát sanh lại đứng đầu. Tuy nhiên, khi chấp tác, chúng con làm vệ sinh hay tảo địa… chúng con quét đi rất nhiều con vật nhỏ, nhứt là kiến, nhện, cuốn chiếu v.v… Chúng con cố gắng tránh mà cũng không khỏi. Như vậy, xin hỏi: đối với giới sát và luật nhân quả chúng con có phạm tội và có phải trả quả báo hay không?



Đáp: Căn cứ vào giới bất sát cũng như luật nhân quả, thì việc làm của Phật tử đương nhiên là đã phạm và phải trả quả. Tuy nhiên, vấn đề nặng nhẹ có khác. Nếu luận về tội, thì dù cố ý hay vô tình, thì cũng giết những sinh vật khác, dù là sinh vật rất nhỏ nhít như con kiến, con trùng v.v… Đã có giết, tất nhiên là đã thành tội. Song có điều, ta cũng cần nên hiểu thêm, giới sát sanh mà Phật cấm, chủ yếu là Phật cấm giết người. Vì mạng sống của con người quý giá hơn hết. Rồi từ đó cứ hạ thấp dần xuống, như trâu, bò, ngựa, chó v.v… những sinh vật mà chúng nó có ân nghĩa với loài người chúng ta, thì Phật dạy người phật tử nên mở rộng lòng thương không nên cố ý giết hại chúng nó. 

Đối với những loài sinh vật nhỏ hơn, ta cố giữ được chừng nào, thì tốt chừng ấy. Luận cho cùng, thì thử hỏi trong đời có mấy ai giữ trọn vẹn giới bất sát sanh nầy. Vì bảo vệ mạng sống, khi bịnh chúng ta uống thuốc cũng đã giết chết biết bao vi trùng trong cơ thể chúng ta. Cho nên, Phật khuyên loài người nên tôn trọng sinh mạng trên hết là loài người, chỉ cần cả nhơn loại biết yêu thương và tôn trọng mạng sống con người lẫn nhau, không nên ra tay sát hại nhau, giữ được ngần ấy, thì lo gì thế giới không hòa bình. Nhưng ngặt gì nhơn loại không giữ được cái giới không giết người nầy, nên nhơn loại luôn luôn sống trong khổ đau. Giết người là mạng sống lớn mà con người còn không giữ được, thì nói chi đến những loài sinh vật nhỏ nhít khác.

Đối với người Phật tử, Phật cấm chúng ta chẳng những không được giết người mà còn phải thương yêu tất cả muôn loài vạn vật khác. Đó là thể hiện lòng từ bi. Nhứt là tránh được quả báo oán thù.

Tóm lại, qua hành động sát hại sinh vật của Phật tử như trong câu hỏi của Phật tử nêu ra, theo tôi, thì y cứ luật nhân quả hễ có gây nhân dù là rất nhỏ, cũng đều có quả, không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, trong nhân quả đó, nó còn có nhiều yếu tố phụ thuộc khác của cái nhân trong khi gây tạo, do đó, mà kết quả có nặng nhẹ sai khác nhau. 

Trường hợp của Phật tử, thật ra, không phải tự ý Phật tử đi tìm nó để giết hại. Việc làm của Phật tử là do quý thầy và đại chúng công cử, sai bảo, chớ không phải Phật tử tự ý đứng ra làm việc đó. Nên, nếu có tội là tội chung, chớ không phải chỉ riêng một mình Phật tử lãnh chịu. Thứ hai, là chủ tâm của Phật tử làm là quét dọn chung quanh sân chùa cho được sạch sẽ, chớ Phật tử đâu có chủ tâm tìm chúng để giết. 

Như vậy, chúng bị chết, chẳng qua đó cũng là cái nghiệp quả của chúng mà thôi. Chả lẽ vì sợ chúng chết, rồi mặc cho cỏ rác mọc um tùm và tràn ngập cả sân chùa, cứ để vậy mà chịu sao? Nếu thế, thì tại sao có bài kệ được đề cao việc quét dọn sân chùa:

Thường tảo già lam địa
Thời thời phước huệ sanh
Tuy vô nhơn khách chí
Diệc hữu Thánh nhơn hành.

Nghĩa là:

Thường quét đất sân chùa
Phước huệ luôn luôn sanh trưởng
Tuy không du khách đến viếng
Cũng có Thánh nhơn đi qua.

Như vậy, Phật tử cũng đừng lo sợ, nếu có tội là tội chung chớ không phải một mình Phật tử. Vì Phật tử làm là do đại chúng sai bảo vậy.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »