Hỏi: Tại Việt Nam, tất cả tu sĩ Phật giáo không phân biệt nam nữ đều lấy họ Thích. Xin cho biết truyền thống nầy chỉ có ở Việt Nam hay còn được áp dụng tại một vài quốc gia khác nữa? Ngoài ra, cũng xin cho biết truyền thống nầy phát xuất từ nguyên do nào và từ khoảng nào trong lịch sử?
Tại sao tất cả tu sĩ Phật giáo Việt Nam đều lấy họ Thích? |
Đáp: Về câu hỏi thứ nhứt, xin được giải đáp qua 2 phương diện :
Thứ nhứt, xét chung, trên nguyên
tắc, thì không riêng gì tu sĩ Phật giáo Việt Nam, mà tất cả tu sĩ Phật
giáo khắp nơi trên thế giới, đều mang chung họ Thích cả. Vì Đức Phật là
họ Thích. Những vị nầy được mệnh danh là con đầu lòng của chánh pháp; là
trưởng nam của lịch sử truyền thừa, là con của đấng Điều Ngự, thì lẽ
đương nhiên là các ngài phải lấy họ Thích rồi. Xét chung trên nguyên tắc
là như thế.
Thứ hai, nếu xét riêng, thì có
khác. Vì việc lấy họ Thích, không phải là một quy luật chung áp dụng cho
tất cả. Vấn đề nầy, còn tùy theo đặc tính và sở thích của mỗi người.
Không phải ai cũng đặt cho mình là họ Thích cả, ít ra là về cách xưng hô
cũng như trên những văn kiện giấy tờ. Đối với những tu sĩ Phật giáo
Việt Nam, có rất nhiều vị, kể từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, các
Ngài không bao giờ lấy chữ Thích. Không những thế, có vị còn để ngay
tên đời của mình trên những kinh sách đã trước tác cũng như dịch thuật.
Trường hợp như cố Đại Lão Hòa Thượng Hành Trụ, Ngài thường để là Sa Môn
Lê Phước Bình. Còn nhiều vị khác nữa. Chỉ nêu đơn cử thế thôi. Có nhiều
vị chỉ để pháp danh hay pháp hiệu mà thầy tổ đã đặt cho, hoặc là lấy bút
hiệu gì đó v.v... chớ các Ngài không tự xưng mình là Thích. Đôi khi có
người lại thích chơi chữ hay mỉa mai châm biếm, họ nói là Thích Đô La
chẳng hạn...
Đọc sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta
thấy sử ghi lại các bậc cao tăng thạc đức thời xưa, hầu hết các Ngài
không bao giờ để họ Thích trước pháp danh hay pháp hiệu của các Ngài.
Như Vạn Hạnh, thì để là Vạn Hạnh, còn hai chữ Thiền sư do người ta tôn
xưng Ngài, vì Ngài tu thiền đạt ngộ được lý Thiền, nên người ta gọi
Ngài là Thiền sư. Chỉ có thế thôi.
Riêng về các quốc gia khác, theo
chỗ chúng tôi được biết qua một số tài liệu sách báo, thì chúng tôi
không thấy họ để chữ Thích (Sàkya) bao giờ. Ngoại trừ Phật Giáo Trung
Hoa và Đài Loan, hiện nay thì có một số vị lấy họ Thích. Nhưng phần
nhiều chúng tôi thấy họ thường để 2 chữ Pháp sư ở đầu. Như Pháp Sư Tịnh
Không chẳng hạn.
Về câu hỏi thứ hai, nguyên nhân và
thời điểm nào lấy họ Thích? Xin thưa: Về vấn đề nầy, trong quyển Từ Điển
Phật Học Hán Việt có nêu rõ như sau: “Đạo Phật hồi mới truyền sang
Trung Quốc, các tăng còn được gọi bằng họ thế tục của mình, hoặc lấy họ
Trúc, hoặc lấy họ của bậc sư phụ, như ngài Chi Độn vốn họ Quan, vì sư
phụ là ngài Chi Khiêm, nên lấy họ là Chi. Ngài Bạch Đạo Du vốn họ Phùng,
học với ngài Bạch thi lê mật đa, nên lấy họ Bạch.
Đến ngài Đạo An, một cao Tăng Trung
Hoa đời Đông Tấn (312 - 385) tức thế kỷ thứ tư Tây Lịch, mới bắt đầu
nói: Đức Phật có họ là Thích Ca, nay những người xuất gia nên theo họ
của Phật, tức họ Thích. Về sau khi Kinh A Hàm được đem về, trong Kinh
cũng nói như vậy. Do đó khắp thiên hạ đều theo. Trong quyển Dị Cư Lục 22
có chép: “Sa môn từ thời Ngụy Tấn lấy họ theo của thầy dạy. Ngài Đạo An
suy tôn Đức Thích Ca, bèn lấy chữ Thích làm họ. Sau lại thấy A Hàm nói:
Bốn con sông nhập vào bể, không còn có tên của con sông. Bốn họ Sa môn,
đều dòng họ Thích. Từ đấy trở thành lệ cố định, các Sa môn bắt đầu lấy
họ Thích.”
EmoticonEmoticon